Thương hiệu không đơn thuần chỉ hình ảnh mà qua đó có thể nhận biết về sản phẩm, quan trọng hơn là sự thấu hiểu từ đó dẫn đến hành động của khách hang và người tiêu dùng.
Mặc dù đã có nhiều chính sách hỗ trợ để sản phẩm của đồng bào dân tộc miền núi đã tạo lập được thương hiệu, xây dựng được bản sắc giúp nâng cao cạnh tranh và đưa vào hệ thống phân phối trong và ngoài nước nhưng đến nay vẫn chưa có nhiều thương hiệu uy tín được đưa ra thị trường. Cùng đó, các đơn vị sản xuất cũng như bà con chưa nhận thức được tầm quan trọng của thiết kế, tính mỹ thuật, văn hóa cũng như xây dựng thương hiệu cho các sản phẩm này.
Quang cảnh buổi toạ đàm. Ảnh: Uyên Hương/BNEWS/TTXVN
Nội dung này đã được các diễn giả tập trung bàn thảo tại tọa đàm có chủ đề “Định vị thương hiệu cho sản phẩm vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi” do Tạp chí Công thương (Bộ Công Thương) tổ chức ngày 9/10 tại Hà Nội.
Chia sẻ tại toạ đàm, ông Võ Trí Thành - Viện trưởng Viện Nghiên cứu chiến lược Thương hiệu và Cạnh tranh nhấn mạnh, thương hiệu sản phẩm vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi là một thương hiệu nên cũng có những giá trị đem lại, có những ý nghĩa, những vai trò của giá trị thương hiệu.
Thương hiệu không đơn thuần chỉ hình ảnh mà qua đó có thể nhận biết về sản phẩm, quan trọng hơn là sự thấu hiểu từ đó dẫn đến hành động của khách hang và người tiêu dùng. Hành động ấy có thể là hành động mua bán sản phẩm, trải nghiệm và lan toả.
Theo ông Võ Trí Thành, thương hiệu chính là cái “giá” mà đối tác, khách hàng, người tiêu dùng sẵn sàng trả thêm cho sản phẩm. Những tập đoàn lớn thương hiệu giá trị hàng tỷ USD, hàng trăm triệu USD và rất nhiều doanh nghiệp Việt Nam hiện nay có những thương hiệu giá trị như vậy.
Đối với những doanh nghiệp nhỏ, sản phẩm cũng tạo ra giá trị gia tăng cao và đi kèm lợi thế nhờ quy mô, tức là nhiều người tiêu dùng hơn. Riêng với sản phẩm vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi còn chứa đựng hai giá trị rất lớn, tạm gọi là sự khác biệt bên cạnh cái chung. Đó là xu hướng sống xanh, sản xuất xanh, an toàn, đầy đủ tất cả những yếu tố về xanh như là chất lượng và nhân văn. Cùng đó là sản phẩm ở vùng này mang tính vùng miền rất rõ rệt.
Ông Võ Trí Thành chũng chỉ ra rằng: Do chưa biết cách khai thác và gìn giữ nên có nhiều thương hiệu sản phẩm đã chìm xuống và hiện nay có rất nhiều sản phẩm đặc sản chưa có thương hiệu riêng, chỉ gắn với vùng miền và nguồn lực chưa đủ để phát triển toàn diện, bao trùm. Đây là những điều cần thiết để xây dựng và phát triển thương hiệu cho bà con vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi.
Nếu xây dựng được thương hiệu và sản phẩm đặc sắc, đó sẽ vừa là hình ảnh của vùng miền và là hình ảnh Việt Nam khi vươn ra thị trường quốc tế. Hiện nay, việc định vị thương hiệu cho sản phẩm miền núi, về cơ bản vẫn còn trong trí óc, trong cách nhìn nhận, thậm chí trong cách tiêu dùng của người tiêu dùng.
Tuy nhiên, có hai vấn đề rất lớn, khi nói đến sản phẩm của vùng núi, đây là sản phẩm vùng miền, kể cả tiểu thủ công mỹ nghệ hay là sản phẩm nông sản. Thế nhưng, làm thế nào để gắn với thương hiệu của doanh nghiệp lại là một câu chuyện. Ngoài ra, hiện nay có hàng nghìn sản phẩm OCOP (Chương trình Mỗi xã một sản phẩm) nên ưu tiên và tập trung hay quảng bá tất cả, tức là cứ ai làm sản phẩm là gắn với thương hiệu vùng miền, doanh nghiệp.
Do đó, nguồn lực, vấn đề gắn với phát triển bao trùm bởi nếu vậy tất cả cùng có thể có lợi và phát triển bao trùm là rất quan trọng, đặc biệt đối với vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi, hỗ trợ cải thiện đời sống và xoá đói giảm nghèo. Thế nhưng, nếu làm đại trà, nguồn lực không đủ, sản phẩm không cạnh tranh được với thị trường khó tính. Vì vậy, xây dựng thương hiệu, phát triển doanh nghiệp và đằng sau đó là công ăn việc làm, thu nhập, nâng cao chất lượng đời sống không chỉ cho người dân mà còn là hình ảnh của vùng miền trong lòng Việt Nam.
Bà Lê Thị Hằng - Phó Tổng giám đốc Công ty cổ phần cà phê Detech. Ảnh: Uyên Hương/BNEWS/TTXVN
Bà Lê Thị Hằng - Phó Tổng giám đốc Công ty cổ phần cà phê Detech cho hay, động lực để công ty đến với ý tưởng đưa sản phẩm của thương hiệu cà phê Sơn La tới thị trường tiêu dùng, xuất phát từ việc tự hào và có niềm tin vào tiềm năng của cà phê Việt Nam.
Sơn La là tỉnh miền núi phía Bắc của Việt Nam, nơi có điều kiện tự nhiên và thổ nhưỡng thuận lợi cho việc trồng cà phê Arabica. Tuy nhiên, cà phê Sơn La chủ yếu được xuất khẩu dưới dạng thô nên người Việt Nam chưa biết khu vực Tây Bắc lại có cà phê, đặc biệt là cà phê Arabica. Bởi đơn thuần người tiêu dùng chỉ biết đến một sản phẩm cà phê Robusta uống có vị chocolate, caramel, vị đậm và thường uống với đường hoặc là sữa.
Thế nhưng, sự khác biệt của sản phẩm cà phê Arabica có vị chua thanh và có vị hương hoa, vị đặc trưng của vùng Tây Bắc là vị thảo mộc. Đặc biệt, công ty muốn đưa giá trị của cà phê Arabica đến người tiêu dùng vì nơi đó 80% đồng bào dân tộc thiểu số là những người trực tiếp tham gia vào thu hái, chế biến với sản phẩm.
Hiện nay, Detech Coffee đã chinh phục được thị trường quốc tế. Qua đây, Detech cũng mong muốn mang giá trị văn hóa vùng miền của Sơn La đến với thị trường nước ngoài để thu hút không chỉ khách nội địa mà cả khách quốc tế đến với vùng nguyên liệu. Từ đó gia tăng kinh tế, tạo công ăn việc làm và phát triển du lịch cộng đồng văn hóa, cà phê ở khu vực Sơn La, Tây Bắc.
Mặt khác, Detech cũng hỗ trợ, đào tạo bà con sản xuất cà phê chứng chỉ và tập huấn nâng cao năng lực về canh tác sản xuất và chế biến cà phê chất lượng và sản lượng tốt hơn trong cùng mùa vụ thu hoạch.
Đến nay công ty cũng xây dựng được sản phẩm chế biến chất lượng cao, xuất khẩu gián tiếp và trực tiếp sang thị trường các nước châu Âu, New Zealand, thị trường Hoa Kỳ. Ngoài ra, công ty cũng có những buổi đào tạo tập huấn để nâng cao năng lực về canh tác, sản xuất và chế biến cà phê giúp chất lượng và sản lượng tốt hơn trong cùng mùa vụ thu hoạch.
Ông Lê Bá Ngọc - Phó Chủ tịch Hiệp hội Thủ công mỹ nghệ Việt Nam cho rằng, để định vị thương hiệu cho sản phẩm vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi cần chú ý 6 yếu tố.
Cụ thể gồm xác định đúng nhu cầu của thị trường và có các sản phẩm phù hợp với từng phân khúc (trung cấp - cao cấp); gắn truyền thống văn hoá với phát triển thương hiệu vùng miền và xây dựng thương hiệu quốc gia. Cùng đó, định vị được không gian của hàng thủ công vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi; tăng cường liên kết giữa hộ sản xuất với doanh nghiệp; quảng bá chuyên nghiệp hơn; có chính sách mạnh mẽ thúc đẩy tiêu thụ sản phẩm.
Để nâng cao giá trị thương hiệu, nâng tầm cho sản phẩm vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi, ông Võ Trí Thành khẳng định cần sự vào cuộc của nhiều “nhà” như già làng, nghệ nhân kể những câu chuyện về cuộc đời và những hiểu biết để tạo nên câu chuyện của sản phẩm.
Ngoài ra, nhà khoa học, những người làm truyền thông hỗ trợ xây dựng thương hiệu sản phẩm, xây dựng doanh nghiệp cũng như chính sách hỗ trợ bền vững, thiết thực và thấu đáo hơn. Bên cạnh đó, kết nối mạnh mẽ hơn để không chỉ đưa sản phẩm trở thành thương hiệu của vùng miền mà còn trở thành thương hiệu quốc gia.
Theo ông Võ Trí Thành, điểm mạnh của các sản phẩm vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi đó là có truyền thống, lịch sử và nét văn hóa. Hơn nữa, sản phẩm còn gắn với xu thế, đó là câu chuyện xanh, lối sống, cách sống và nhất là phân khúc tầng lớp trung lưu, tầng lớp trẻ hiện nay, sống xanh, an toàn, nhân văn,…
Thế nhưng để làm được điều này, cần sự hỗ trợ từ nhiều phía gắn với cốt lõi để tạo ra giá trị thương hiệu. Đặc biệt, sản phẩm của đồng bào dân tộc không chỉ là kết nối của chính giá trị đem lại mà còn là sức sống của nhiều dân tộc Việt. Do vậy, cần nhìn rõ giá trị để hỗ trợ, qua đó giúp thương hiệu sản phẩm khu vực miền núi nổi bật và vươn xa.