Dù vải thiều Lục Ngạn, trà Shanam Tà Xùa, chè Shan tuyết Mộc Châu, cam Cao Phong… đã được người tiêu dùng biết đến nhưng còn rất nhiều sản phẩm có tuổi đời hàng trăm năm của đồng bào dân tộc thiểu số vẫn chưa được khai thác, định vị thương hiệu một cách bài bản...

Những cây chè cổ thụ có tuổi đời hàng trăm năm.
Những cây chè cổ thụ có tuổi đời hàng trăm năm.

Theo Bộ Công Thương, hiện nay đã có các doanh nghiệp, tổ chức xã hội phối hợp cùng các địa phương tổ chức các hoạt động sản xuất, kinh doanh tạo lập các thương hiệu cho sản phẩm vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi.

KHÓ KHĂN THAY ĐỔI THÓI QUEN CANH TÁC

Nhiều sản phẩm của bà con vùng đồng bào dân tộc thiểu số đã được đầu tư theo hướng sản xuất hàng hóa, xây dựng thương hiệu sản phẩm gắn với những những truyền thống văn hóa tập tục… điều làm nên sự hấp dẫn trong mắt người tiêu dùng hiện đại. 

Không ít sản phẩm đã trở thành thế mạnh của của địa phương được tiêu thụ ở các kênh phân phối và xuất khẩu. Từ đó không chỉ giúp bà con ổn định thu nhập, nâng cao chất lượng cuộc sống mà còn phát triển kinh tế - xã hội, quảng bá được truyền thống văn hoá đặc sắc của các dân tộc ở các địa phương.

Song đây chỉ là một số doanh nghiệp và hợp tác xã tiên phong, tiêu biểu, còn rất nhiều sản phẩm xanh và sạch, chứa đựng những bí quyết canh tác, chế biến có tuổi đời hàng trăm năm trong đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi chưa được khai thác ở quy mô sản xuất hàng hoá.

Nguyên nhân của những hạn chế nói trên là rất nhiều. Đó không chỉ là việc chưa được quan tâm đầu tư đúng mức, mà còn có nguyên nhân là do chưa có hướng phát triển mở rộng sản phẩm cũng khiến thương hiệu của khu vực này ít có cơ hội để phát triển.

Ngoài ra, việc chậm đổi mới công nghệ, thiếu trang thiết bị hiện đại, chưa thường xuyên cải tiến mẫu mã… dẫn đến quy mô sản xuất nhỏ lẻ, giá thành sản phẩm lại cao, làm giảm sức cạnh tranh của các sản phẩm.

Là một đơn vị tham gia vào hoạt động kết nối với đồng bào dân tộc miền núi, Detech Coffee đã lựa chọn cà phê Arabica từ vùng nguyên liệu Sơn La để tạo ra những dòng sản phẩm cà phê chất lượng cao đồng thời cải thiện sinh kế của đồng bào dân tộc thiểu số. Tại toạ đàm “Định vị thương hiệu cho sản phẩm vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi” ngày 9/10, bà Lê Thị Hằng, Phó Tổng Giám đốc Công ty cổ phần cà phê Detech, thừa nhận rằng trong quá trình làm việc với bà con vùng núi, Detech Coffee gặp nhiều khó khăn.

Một trong những nguyên nhân được đề cập đến là chất lượng đầu vào của bà con chưa ổn định do tính liên kết trong sản xuất chưa chặt chẽ, chưa thống nhất. Bên cạnh đó, đồng bào dân tộc thiểu số vẫn còn giữ thói quen thu hái sản phẩm lẫn quả xanh, quả đỏ, thu hái chưa có chọn lọc nên chất lượng cà phê chưa cao. Điều này gây khó khăn cho doanh nghiệp khi làm việc với đối tác trong và ngoài nước nhất là vấn đề giá cả, chất lượng.

Trong khi đó, việc làm thay đổi dần định kiến cũng như thói quen của bà con về tập quán sản xuất không hề dễ. “Chúng tôi rất cần những chuyên gia trong lĩnh vực nông nghiệp để đào tạo, khích lệ bà con thay đổi tập quán trồng trọt bao đời nay họ làm để tăng chất lượng sản lượng ngay từ đầu vào, tạo ra một hệ sinh thái bền vững về nông nghiệp”, bà Hằng nói.

Một vấn đề khác, bà Hằng chia sẻ, vụ mùa thu hoạch cà phê chỉ diễn ra từ tháng 10 đến tháng 2, nên câu chuyện thời gian còn lại bà con sẽ làm gì để có thêm thu nhập lại là bài toán với doanh nghiệp, chưa kể đến tác động của thị trường về giá, biến đổi khí hậu.

XÂY DỰNG THƯƠNG HIỆU BẰNG CÂU CHUYỆN SẢN PHẨM

Nhằm nâng cao chất lượng sản phẩm, đáp ứng nhu cầu tiêu dùng xanh ngày càng cao, khẳng định thương hiệu sản phẩm bà Hằng cho biết Detech Coffee đang định hướng sản xuất cà phê theo Tiêu chuẩn nông nghiệp bền vững “Rainforest Alliance”.

Detech Coffee đã làm việc với 500 hộ tại vùng nguyên liệu cà phê Sơn La. Thông qua Rainforest Alliance, bà con nông dân được học, được đào tạo kiến thức về quản trị rủi ro, an toàn lao động, nâng cao nhận thức về hệ sinh thái nông nghiệp.

Bên cạnh đó, doanh nghiệp này còn lên kế hoạch khích lệ nông dân đổi mới sáng tạo, quản trị tốt hơn trong chính công việc hằng ngày của họ, sắp xếp những công việc liên quan đến an toàn lao động nhằm giảm thiểu rủi ro.

Để nâng cao giá trị thương hiệu, nâng tầm cho sản phẩm vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi, TS. Võ Trí Thành, Viện trưởng Viện Nghiên cứu chiến lược thương hiệu và cạnh tranh, cho rằng cần có tích truyện - câu chuyện văn hoá đằng sau sản phẩm.

“Sản phẩm vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi chứa đựng cả 2 điều trên, vừa có dấu ấn văn hoá, có tích truyện hấp dẫn lại vừa bắt nhịp được với xu thế hiện nay là lối sống, cách sống xanh, phát triển bền vững. Đây là nền tảng rất tốt cho xây dựng thương hiệu”, ông Thành nhấn mạnh.

Nhưng để làm được điều này, bản thân những doanh nghiệp, đồng bào dân tộc thiểu số chưa đủ nguồn lực, năng lực để làm. Do đó, theo ông Thành, cần sự vào cuộc của nhiều “nhà”: già làng, nghệ nhân kể những câu chuyện về cuộc đời họ và những hiểu biết của họ để tạo nên câu chuyện của sản phẩm; nhà khoa học, những người làm truyền thông hỗ trợ xây dựng thương hiệu sản phẩm, xây dựng doanh nghiệp.

Bên cạnh đó, cần chính sách hỗ trợ bền vững hơn, thiết thực và thấu đáo hơn để không chỉ đưa sản phẩm trở thành thương hiệu của vùng miền mà còn trở thành thương hiệu quốc gia.

Còn theo ông Lê Bá Ngọc, Phó Chủ tịch Hiệp hội Thủ công mỹ nghệ Việt Nam, để định vị được thương hiệu cho sản phẩm vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi, trước hết cần xác định đúng nhu cầu của thị trường và đi đúng phân khúc, từ đó có các sản phẩm phù hợp với từng phân khúc.

Mặt khác, cần tăng cường liên kết giữa các hộ sản xuất với các doanh nghiệp. Với cộng đồng 53 dân tộc thiểu số, hàng chục nghìn sản phẩm, hàng chục nghìn câu chuyện, do đó chúng ta cần tận dụng sức mạnh này để tổ chức những sự kiện mang tầm cỡ quốc gia, quốc tế nhằm quảng bá thương hiệu sản phẩm.

Link bài viết : https://vneconomy.vn/dinh-vi-thuong-hieu-cho-san-pham-vung-dong-bao-dan-toc-thieu-so.htm

Zalo KonnaiCoffee Messenger KonnaiCoffee 0377 015 757